Smartilux

Hướng dẫn các bước tự xây dựng một Nas gia đình trên nền PC

Bài toán đặt ra là liệu chúng ta có thể tận dụng một máy tính cũ nhưng còn tốt hoặc tự build (DYI) mới cho mình một chiếc NAS nho nhỏ tương tự như Synology NAS trong tầm giá mà mình có thể chịu đựng? Câu trả lời là: Tại sao không?

Trong những năm gần đây NAS (Network-attached storage) ngày càng trở nên phổ dụng do không chỉ mang tính năng như là một nơi lưu trữ và cho phép truy cập dữ liệu trên mạng đơn thuần, mà nó còn cung cấp các dịch vụ mạng phong phú đến các thiết bị khác được kết nối chung mạng. Riêng về mảng NAS thương mại dùng cho gia đình và doanh nghiệp nhỏ (SOHO) có thể kể đến các tên tuổi đình đám hiện nay là Synology, Buffalo Technology, Netgear, Qnap Systems, D-Link,… trong đó Synology (theo ý kiến cá nhân) được ưa thích và sử dụng nhiều do sự đa dạng của sản phẩm cũng như dịch vụ, tính năng mạnh mẽ và đặc biệt là dễ sử dụng. Tuy nhiên một rào cản lớn nhất đối với người sử dụng gia đình nói chung và anh em đam mê HD nói riêng đó chính là vấn đề giá cả.

Bài toán đặt ra là liệu chúng ta có thể tận dụng một máy tính cũ nhưng còn tốt hoặc tự build (DYI) mới cho mình một chiếc NAS nho nhỏ tương tự như Synology NAS trong tầm giá mà mình có thể chịu đựng? Câu trả lời là: Tại sao không?

I. Giới thiệu

Nghe nói về Nas nhiều rồi, nhưng tôi hồ nghi là không phải ai cũng thật sự hiểu về nó. Có bao giờ bạn tự hỏi mình Nas là gì? Tại sao ta lại cần tới Nas không? Mang câu hỏi này trong đầu, tôi đã lùng khắp diễn đàn nhưng không tìm được câu giả lời. Những bài được sticky chuyên về Nas Synology cũng như Buffalo chỉ chú trọng vào chủng loại, vào giá cả, vào kỹ thuật và sửa lỗi kỹ thuật đã đành, mà ngay cả bài được sticky về xây dựng một Nas trên PC cũng đề cập rất sơ sài. Cái tánh tôi thì các bạn biết rồi, bằng lần làm cái gì thì luôn muốn biết mình đang làm cái gì, còn không thì nó ngứa ngáy khó chịu giống như … cả tuần lễ … chưa tắm!

NAS là viết tắt của cụm từ trong tiếng Anh: Network Attached Storage. Nó là một hệ thống chứa 1 hoặc nhiều ổ đĩa cứng, được kết nối mạng và được điều khiển bởi một hệ điều hành (OS). Hệ thống này kết nối vào mạng của bạn để từ đó cho phép những người (thông qua thiết bị) trên mạng truy cập và chia sẻ các tập tin từ một vị trí trung tâm là Nas, cùng với những dịch vụ phong phú nhưng rất hữu ích khác.

Ngày nay khi bạn nghe nói về mạng (network), bạn hay liên tưởng về mạng xã hội (quá nổi tíếng và phổ biến) như Facebook, Twitter, Google +,… nhưng trước khi các trang mạng xã hội (social network) ấy được khai sinh, mạng còn được ám chỉ cho cơ sở hạ tầng mà các máy tính cũng như các thiết bị điện tử qua đó được kết nối và làm việc với nhau. Thật vậy, mạng network đã trải qua một chặng đường dài với đầy đủ những thăng trầm đặc trưng của nó, và xem ra con người hiện đại ngày nay ngày càng phụ thuộc vào nó nhiều hơn. Bạn không tin ư? Nếu bạn từng một lần mở miệng khoe nhà giờ tao đã có Internet, điều đó gần như đồng nghĩa với việc, dù bạn có thích hay không thích, trong thực tế, bạn đã có một mạng lưới trong nhà của mình rồi. Từ thuở tập tọe dùng Dial-up để kết nối Internet, chúng ta đều biết lợi ích của việc kết nối Internet ra thế giới bao la bên ngoài. Thế nhưng tại sao tôi muốn tất cả các máy tính cũng như các thiết bị điện tử thông minh khác phải kết nối với nhau trong nhà của tôi? Câu trả lời cũng thật đơn giản: Để chia xẻ dùng chung tài nguyên trên mạng! Tới đây thì bạn có thể hình dung ra vai trò của Nas là như thế nào. Nas ngày hôm nay được cho là nguồn chia xẻ đủ thứ thập cẩm trên đời. Bạn có thể chia sẻ tập tin (bao gồm phim, ảnh, nhạc, tài liệu,…), chia sẻ dung lượng lưu trữ và thậm chí chia sẻ máy in.

1.Chia sẻ tập tin:  Nếu xảy bạn có nhiều máy tính trong nhà của bạn, và trong một vài lần, bạn muốn có một hoặc nhiều tập tin cùng hiện diện trên những máy tính đó (những tập tin này có thể là tài liệu, âm nhạc, video, hình ảnh, vv). Khi đó, bạn phải cất công chép từ cái máy này qua cái máy khác, rất ư là mất thời gian và dễ gây mệt mỏi. Đây là những vấn đề cơ bản mà NAS giải quyết rất nhanh gọn cho bạn. Trong hình thức đơn giản nhất của nó, bạn có thể nghĩ về NAS như một ổ cứng gắn ngoài đặt bên cạnh router của bạn và từ đó có thể được truy cập bởi tất cả các máy tính trong nhà của bạn. Và cũng vì giống như một ổ cứng bên ngoài, NAS dễ dàng dùng để lưu trữ và truy cập tập tin chỉ cần động tác kéo và thả đơn giản.

2. Giải trí qua mạng: Từ khi có Nas, bạn bắt đầu ghiền việc chia sẻ tập tin trên mạng. Tuy nhiên Nas còn có thể bước xa hơn thế nữa là cho phép các thiết bị giải trí trong nhà bạn, chẳng hạn như một máy HD player, truy cập không giới hạn vào bộ sưu tập dữ liệu HD của bạn được lưu chứa trong Nas. Một HD media player khi được kết nối với TV của bạn có thể chơi hình ảnh, phim và âm nhạc mà nó truy xuất từ NAS của bạn. Cái hay của NAS là bạn có thể lưu trữ tất cả các dữ liệu HD của bạn ở một nơi và truy cập nó từ bất cứ nơi nào trong nhà. Tất cả các phương tiện giải trí kết nối mạng trong tất cả các phòng của ngôi nhà cùng một lúc có thể truy nhập các tập tin cần thiết chỉ từ một thiết bị NAS để chúng hoạt động. Điều đó giúp bạn rất nhiều trong việc tránh phải liên tục di chuyển ổ đĩa cứng đi động xung quanh nhà hoặc giữ nhiều bản sao của cùng một nội dung.

 3. Truy cập từ xa: Hầu hết các thiết bị NAS không những có khả năng lưu trữ các tập tin của bạn mà chúng còn cho phép bạn dễ dàng tiếp cận với dữ liệu mà bạn đã chứa trong Nas cho dù bạn đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới, miễn là bạn có kết nối Internet. Với chỉ vài nhấp chuột, bạn có thể nghe bài hát yêu thích của mình ngay từ trong trình duyệt web của bạn. Tại chỗ làm, bạn có thể dễ dàng lấy lại bản báo cáo mà tối qua bạn đã soạn xong và cất vào Nas để trình cho Boss ngày hôm nay. Hoặc ở nhà bạn gái, tay trong tay bạn có thể cho gấu xem hình hai đứa chụp khi tắm biển Vũng Tàu kỳ nghỉ vừa qua thông qua cái smartphone của bạn mặc dù những tấm hình này đang được lưu cất trong cái Nas ở nhà bạn.

4. Chia sẻ máy in: Hầu hết chúng ta có một máy in USB ở nhà. Bạn mua nó chỉ đơn giản là thi thoảng muốn in ở nhà và trong một lần tình cờ thấy nó bán rẻ. Nó thì chạy tốt, chả có gì phàn nàn. Nhưng khốn khổ khốn nạn là nhiều khi trong gia đình ai cũng thích xài ké. Và khi người khác trong nhà cần phải sử dụng nó, và máy tính của người đó không phải là máy tính chính kết nối tới máy in, chả nhẽ lúc đó lại bê cả cái máy tính hoặc bê cả cái máy in qua phòng của nhau? Quả là quá bất tiện phải không các bạn? Thì đây, Nas sẽ đóng vai là thằng hiền tốt bụng giúp bạn. Thật vậy, thiết bị NAS cho phép bạn kết nối một máy in USB vào mặt sau của nó và sau đó chia sẻ máy in đó với mỗi PC và Mac ở nhà. Các khách sạn và các trường học ngày nay đã bắt đầu dùng chung máy in mạng kiểu này rất nhiều.

5. Sao lưu dữ liệu (Backup): Chúng ta ai cũng đều biết tầm mức nghiêm trọng khi các tập tin tối quan trọng của mình bị mất. Và chúng ta cũng biết liều thuốc duy nhất để có thể chữa trị căn bệnh quái ác này là sử dụng biện pháp sao lưu (backup) dữ liệu. Nhưng cái thói ở đời nói thì dễ, làm có được hay không mới là khó. Ai mà không biết hút thuốc có hại cho sức khỏe, nhưng biểu bỏ thử xem? Có người còn phán câu xanh rờn: Bỏ vợ được chứ bỏ thuốc thì… quên đi. Rất may, NAS ngày hôm nay đã trở nên dễ dàng để bạn thực sự không còn có một lý do nào không làm backup cho dữ liệu của mình. Bạn chỉ cần chịu khó cài đặt một lần lúc ban đầu, rồi thì có thể quên nó luôn cũng được. Trong các thiết lập ban đầu, nó sẽ cài đặt giúp bạn phần mềm sao lưu, quản lý chăm sóc thiết lập cấu hình cho bạn và từ đó nó sẽ liên tục sao lưu các tập tin và thư mục mà bạn muốn không những trên máy tính của bạn mà là cho tất cả các máy tính khác trong nhà bạn.

II. Phần cứng (Hardware) 

Nói đến nas là ta thường hình dung đến 2 đặc điểm của nó ngay:

  • Nó là một thiết bị nho nhỏ vuông vắn xinh xinh, nhiều lúc nó đẹp đến nỗi có thể được đặt luôn trên kệ gần receiver hoặc đầu phát HD Player trong phòng khách sang trọng của bạn. Trong nó có vài ổ cứng HDD chứa dữ liệu (có thể được xóa chép thường xuyên) dùng để chia xẻ chúng cho cả nhà hoặc thậm chí vượt ra ngoài phạm vi gia đình ra ngoài mạng internet.
  • Nó được kết nối vào mạng và chạy thường trực 24/7nhằm cho phép tất cả các thiết bị khác cùng mạng truy xuất dữ liệu từ nó bất cứ lúc nào.

 Sau vài tháng thử hết tất cả các máy cũ trong nhà, tôi quyết định mua linh kiện về ráp cái nas. Không phải là các máy cũ không đảm đương được công việc mà là vì (cũng vì cũ) chúng nó chạy hao điện, ồn, kềnh càng và vì cũ nên nhìn … xấu thấy ghê,… do đó tôi đành bấm bụng hát câu “Thà một lần đau (tiền)”. Đồng ý là mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, miễn sao bắt được chuột. Nhưng các bạn thông cảm, ngày nay nhiều người nuôi mèo đâu phải thuần túy dùng để bắt chuột, mà còn dùng làm kiểng nữa. Lâu lâu ra vào ôm ấp hun hít, thậm chí còn cho lên giường ngủ chung nữa. Chả thế mà có nhiểu anh chàng si tình cứ hát nghêu ngao ước gì được làm con mèo của nàng đó sao? Còn nếu các bạn cảm thấy không phiền khi tận dụng lại máy cũ (mà tôi cũng khuyên như vậy) thì đừng bắt chước mua mới nhé, phí đạn!

1. Case

Tương tự như nguyên tắc chọn phần cứng trong bài “Làm thế nào để xây dựng, bảo vệ và quản lý kho dữ liệu HD hiệu quả nhất”, tôi tìm cho mình cái case trước và cũng dựa trên 2 nguyên tắc ở trên: một cái case nho nhỏ be bé xinh xinh (nhưng chứa càng nhiều HDD càng tốt à nghen) và cho phép chạy liên tục 24/7 mà vẫn mát mẻ như thường.

 Tôi đã chọn case Fractal NODE 304 Black vì những lý do sau: Rẻ (so với case LIAN LI PC-Q25B cùng loại chỉ bằng nửa giá), đẹp (dưới con mắt ốc lồi của tôi), bền (tôi đoán là vậy chứ có xài qua bao giờ mà biết).

Nói giỡn chơi vậy thôi, cái case này nhỏ gọn (vì vậy chỉ cho gắn mini-ITX mobo), nhìn bên ngoài không đến nỗi tệ lậu (đặt kế bên thằng Denon X4000 chưa biết ai kém cạnh hơn ai), nhưng cái tôi thích nhất (về kỹ thuật) là nó cho phép gắn tới 6 ổ cứng và hệ thống thông gió (quạt thổi từ trước ra sau) tuyệt vời. Trên case có nút gạt chỉnh tốc độ quạt nên bạn có thể tùy chọn tốc độ gió sao cho trong case mát nhưng không nghe ồn. Ngoài ra dàn giá lắp HDD có đệm cao su chống rung cho ổ cứng nên cũng làm mình an tâm nhiều.

2. CPU

Nói thật, khi chọn lựa CPU, Intel hay AMD đối với tôi đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng xem ra, trong lãnh vực nas, thằng AMD khó có cửa địch lại thằng Intel. Vẫn điệp khúc phải lập đi lập lại đến phát ngấy là ít tốn điện, ít tỏa nhiệt, quạt ít ồn là ưu thế vượt trội của Intel trong một nas phải chạy 24/7. Tôi đã bỏ cả tuần lùng kiếm linh kiện cho nas chạy trên nền AMD nhưng không thể nào ưng ý đành luyến tiếc bỏ cuộc.

Với CPU Intel chạy cho nas thì Atom cũng được, Celeron cũng không sao, mà Pentium lại càng tốt. Tuyệt đối không chơi i3 trở lên vì phí tiền vô ích. Riêng với CPU Atom, tương tự như dòng media server dùng cho gia đình, bạn nên chú ý đến các tình huống nas của bạn phải transcoding cho các thiết bị cầm tay muốn xem phim từ nas. Khi đó Atom có thể bị coi là nguyên nhân gây nghẽn (bottle neck) khiến phim xem cứ bị cà giựt. Do đó cứ Celeron hay Pentium mà táng là an tâm cái bụng. Nếu bạn tận dụng lại máy cũ thì nên so sánh xem nó có tương đương hay không nha. Tôi trang bị cho nas của mình là Pentium chỉ vì thấy nó bán rẻ khi mua kèm với mobo mà thôi.

3. Motherboard

Cùng với case, một trong những cái khó khăn nhức đầu nhất khi mua linh kiện ráp nas là motherboard. Tính tới tính lui nát óc cuối cùng tôi cho rằng chỉ có loại mini-ITX mobo là loại tối ưu nhất. Nó không quá to đến nỗi khi lắp vào case xong thì không biết nhét cái Nas vào góc nào trong nhà, nhưng không quá nhỏ để có thể vẫn cung cấp đủ cổng Sata gắn 6 HDD.

Một điều bạn phải công nhận là dù cho bạn có đi với CPU Intel hay AMD, lựa ra một mini-ITX mobo có 6 cổng sata thật không dễ dàng chút nào. Mà sự lựa chọn cho bạn cũng không nhiều nữa. Đó là chưa kể mini-ITX giá luôn mắc hơn so với loại micro-ATX hay ATX cùng loại do được thiết kế tinh gọn (xảo) hơn. Ngoài ra, một điểm cực kỳ quan trọng khi build Nas là ta phải chú ý đến vấn đề kết nối mạng. Chất lượng của cái NIC card theo tôi còn quan trọng hơn cả bộ nhớ RAM nữa trong một Nas. Truyền tải nhanh, ổn định luôn là tiêu chí hàng đầu khi build các máy cái lưu trữ để cung cấp dữ liệu cho các thiết bị/ PC khác trên mạng. Lắp một cái NIC card rời thì quá tốt, nhưng chiếm không gian (vốn đã quá nhỏ hẹp), hao thêm tài, hao thêm điện, … nên tôi chú tâm tìm cái NIC onboard tốt một chút, kiếm được loại của Intel thì càng hay.

Tôi đã chọn mobo Asus H87I – Plus

4. Bộ nhớ (memory)

Bạn không cần nhiều RAM, nhưng 256MB RAM là tối thiểu. Với Intel chip, Nas cần 512MB là tối thiểu. Nghe giang hồ đồn thổi là lắp RAM nhiều hơn sẽ đẩy tốc độ truyền dữ liệu quá ngưỡng 100MB/s (tức là tận dụng hết kết nối vật lý gigabit ethernet). Nhưng tôi không chắc và chưa có dịp thử. Tất nhiên, nếu cái Nas của bạn sẽ phải chạy thêm nhiều ứng dụng Nas khác thì bạn sẽ phải cần thêm RAM. Theo tôi, với Nas, chỉ cần bộ nhớ Ram 1 – 2 GB là phủ phê rồi. Với các loại Nas sử dụng raidz (có parity, double hoặc ngay cả triple parity) thì bạn mới cần thêm ram/ cpu. Khi đó, thêm RAM sẽ nhanh hơn (ram được sử dụng để làm bộ nhớ cache chứa dữ liệu tạo cấu trúc thư mục). Hoặc ở trong một môi trường đa người dùng, khi mà luôn luôn có rất nhiều người cùng truy xuất tải dữ liệu, thì khi đó nó sẽ là một ý tưởng tốt để lắp thêm RAM. Nếu bạn build Nas chỉ để thuần túy làm một phương tiện lưu trữ trong gia đình - thi thoảng chỉ có một vài người truy xuất dữ liệu thì việc bạn có ít hay nhiều RAM không phải là vấn đề có ảnh hưởng lớn.

Một lần thấy có cặp RAM GSkill DDR3 8GB bán rẻ ($45) nên tôi mua về chia ra làm 2. Một thanh 4GB cho cái Nas này, thanh còn lại tôi build cho cái HTPC.

5. Bộ nguồn (PSU)

Đi mua bộ nguồn cho Nas thì có thể nói không có một công việc nào nhẹ nhàng hơn. Đơn giản bởi vì ở đây ta không quan tâm lắm về công suất của nó. Ném về xui bạt mạng mới vớ phải cái PSU không tải nổi cái Nas có 6 HDD. Ở đây tôi chỉ quan tâm 2 vấn đề khi mua PSU cho Nas:

  • PSU phải chất một chút để cung cấp nguồn ổ định cho HDD khi chúng chạy 24/7.
  • Vì cái case khá nhỏ, nội thất bên trong sẽ ngột ngạt chật hẹp, nếu có thể được thì nên tìm mua loại “modular” để càng ít dây điện sẽ không chiếm không gian vốn đã quá ít ỏi ở trong case.

Một lần nữa, PSU của Seasonic, Corsair, Antec, … với công suất thấp luôn nằm trong tầm ngắm của tôi. Ở đây tôi có một kinh nghiệm nhỏ là với các PSU khi CS dưới 450W, thì cứ kiếm loại nào rẻ mà chất lượng tốt mà xuống tay chém. Đừng nghĩ là mua loại công suất lớn sẽ hao điện, còn loại công suất nhỏ sẽ ít hao hơn. Nên nhớ hao điện nhiều hay ít nó nằm ở 2 yếu tố sau đây:

  • Tổng CS của các bộ phận lắp trong Nas của bạn (chủ yếu là loại CPU và các HDD). Càng nhiều HDD thì càng tiêu nhiều điện.
  • Chất lượng của chính cái PSU của bạn. Vì vậy ta nên kiếm mua loại có chứng nhận 80+. PSU chất lượng tồi sẽ làm nóng case, quạt chạy ồn, đặc biết là tiếng coil rít nghe kinh lắm, nhắc tới cứ là nổi hết cả da gà.

Cái Nas của tôi sử dụng PSU là Corsair 500W modular. Dĩ nhiên với 500W là quá dư rùi, nhưng tại vì nó bán quá rẻ ($10) thì dại gì không mua về lắp cho Nas, phải không các bạn? Nhân tiện qua bài này tôi có một thắc mắc là tôi thấy ở VN có bán PSU của Seasonic loại 300W giá khá mềm. Không biết đây là hàng thật chính gốc hay hàng nhái? Bị một lần cái vụ mua microphone Shure tại VN nên bây giờ tởn luôn. Nghe một người bạn nói Shure bán ở VN 100% là hàng giả.

6. Ổ cứng (HDD)

Bà con hiện nay đang có phong trào cứ ổ cứng lắp cho Nas thì phải là loại WD Red hoặc Seagate Nas mới đúng điệu. Giàu tiền như thế thì còn nói làm gì nữa!

Tôi thuộc loại không có điều kiện, con nhà ba má nghèo, anh em đông, đào tiền đâu ra mà mua những em “Red” hay “Nas” yêu kiều đẹp đẽ kia?

Các HDD trong Nas của tôi toàn là hàng dạt được xả ra từ cái media home server. Có nhiều người khuyên đừng lắp vào Nas mấy cái ổ WD caviar green. Tôi thì vẫn cứ lắp và khổ một cái là chúng vỡn cứ chạy phà phà. Chỉ có mỗi một tội là tụi Green này làm biếng kinh khủng. Rảnh tay một chút là nằm lăn ra “ngủ” (đỡ hao điện…hi …hi ..). Và dĩ nhiên đó là điều phiền toái duy nhất khi phải “đánh thức” chúng dậy hơi lâu tí (khoảng 3 giây) từ trạng thái “ngủ” mỗi khi muốn coi phim mà thôi. Còn thì chúng chạy rất êm, nhẹ, mát, ít tốn diện.

Không phải là bắt buộc, nhưng quan điểm của tôi là hạn chế dùng ổ cứng 7200rpm cho các Nas bởi vì nó có nhiều cái hại hơn lợi. Dĩ nhiên nếu bạn muốn tận dụng lại ổ cứng cũ thì cũng … đành phải chơi lun chứ biết sao.

III. Phần mềm (Software)

Vì cái nas tôi sẽ build ở đây cũng sẽ y chang như cái Nas của bên Synology, vì vậy trước khi đi vào chủ đề chính, cái đinh của bài viết này, tôi thiết nghĩ các bạn cũng cần nắm sơ về Synology NAS.

Tương tự như các thiết bị điện toán khác, Synology NAS cũng cần một hệ điều hành (Operating System) để chạy. Và OS của nó là DSM (Synoloty DiskStation Manager). DMS được Synology viết dựa trên nguồn mở Linux cho 2 sản phẩm chủ lực là DiskStation và RackStation. Vì được xem là nền tảng của thiết bị NAS chuyên dụng, DSM được tích hợp các chức năng quản lý mạnh mẽ như chia sẻ dữ liệu (phim, nhạc, ảnh số, tài liệu…), quản lý backup, tạo và quản lý phương thức lưu trữ dạng RAID, multimedia streaming, lưu trữ ảo, và thậm chí DSM còn sử dụng DiskStation hỗ trợ việc ghi hình qua mạng. Gần đây DSM được viết để Synology có thể giao tiếp tốt với các thiết bị di động chạy trên nền tảng iOS, Android, Windows Phone và Kindle. Các app này bạn sẽ thấy chúng được cung cấp miễn phí qua các app store.

Vào đầu năm 2013 xuất hiện một nhóm lập trình đã viết lại DMS của Synology dựa trên mã nguồn mà Synology đã cung cấp miễn phí cho Sourceforge từ đó có thể cài vào bất kỳ loại máy tính cá nhân nào miễn là các phần cứng bên trong được hỗ trợ driver. Community project này được biết với cái tên là XPenology.

Về cơ bản, loại OS mới này không khác gì DSM của Synology mà họ viết cho các sản phẩm của mình. Chỉ khác là, vâng chỉ khác một điểm là nó mang cái tên khác mà thôi.

Cái OS tôi đang sử dụng là OS mới nhất của version 4.3 (và tôi đã test thành công trên 3 máy có cấu hình khác nhau) cũng dựa trên DSM mới nhất và cũng là cuối cùng cho năm 2013 là version 4.3 (Build 3810) mà Synology vừa tung ra dành cho loại máy khủng 12 HDD (giá trên USD 3000) của nó: DS3612xs. Thật ra (lúc viết bài này) Synology đã tung ra DSM version 5.0, tuy nhiên vì vẫn còn nhiều phản hồi cho rằng version 5.0 chưa thật ổn định ở một số máy nên tôi chưa dám giới thiệu. Mặc dầu vậy, nếu ai bản tính thích vọc thì cũng có thể tải về bản 5.0 mà cái thôi. Ăn thua mình gan à.

Yêu cầu:

Trình độ: lèng èng thôi, miễn sao không bị điểm liệt, tức thuộc vào diện “không biết gì về điện” đặc biệt là network.

Thời gian: dưới 30 phút (ngồi làm ly cà phê hổng chừng còn lâu hơn).

Thiết bị cần có:

  • 1 thanh USB dung lượng tối thiểu 2GB dùng làm ổ boot drive (loại USB 2.0 cũng được). Bạn nên kiếm một cái USB drive tương đối mới và chất lượng một chút. Tôi đã từng thử dùng cái cũ và no name để boot lần đầu bị treo giữa chừng. Hơn nữa vì nó sẽ chứa OS của cái Nas nên o bế ưu tiên em nó một chút cũng chẳng thiệt gì phải không các bạn. 

​Còn nếu bạn cảm thấy không thích cái USB cắm thòi lòi ở phía sau cái case và không ngại tốn tiền thì có thể mua thêm cái cục nối USB gắn trong case như thế này.

  • Kiểm tra xem cấu hình máy bạn có được hỗ trợ hay không. Điều này rất quan trọng đặc biệt là phần network, SATA, USB, chipset…
  • Ngoài ra còn cần data drives (Ổ cứng chứa dữ liệu): tôi khuyên chọn loại 5400 – 5900 rpm (mặc dù không bắt buộc) để tránh ồn, nóng vì thường nas chạy 24/7. Còn số lượng HDD thì nói chung càng nhiều càng tốt cứ tộng hết vào trong cái case miễn sao nó có thể chứa hết, nhưng đừng quá 12 HDD (vì tôi chưa thử nhiều HDD hơn).

IV. Cài đặt phần mềm

 Lưu ý:

1. Ở đây chỉ hướng dẫn dùng trên máy thực. Nếu bạn muốn cài trên máy ảo (virtual machine) bạn có thể tham khảo trên internet cách hướng dẫn hoặc PM cho tôi.

2. Hướng dẫn này là dành cho mục đích trao dồi học hỏi kiến thức và vô vụ lợi. Nó không mang bất cứ cam kết nào bảo đảm rằng dữ liệu của bạn sẽ được bảo vệ 100% khi bạn sử dụng các tập tin dưới đây để xây dựng thiết bị Nas của riêng bạn. Vì vậy, tôi đề nghị bạn kiểm tra hệ thống của bạn xây dựng cho chắc chắn trước khi đổ các dữ liệu quan trọng của bạn vào trong máy để lưu trữ. Once again, do it at your own risk!

Các bước thực hiện:

1. Tải file gốc về xong unzip/ unrar.

2. Sau khi giải nén, bạn sẽ có 2 tập tin synoboot.img và DSM_DS3612xs_2668.pat cùng mới một thư mục win32diskimager-v0.9-binary.

3. Vào trong folder win32diskimager-v0.9-binary chạy file Win32DiskImager.exe để burn .img file vào trong USB drive.

Chỉ đường dẫn vào nơi đang chứa file .img vừa bung ra. Ngoài ra nhớ chọn đúng tên ổ dĩa mà USB đang có nếu chọn sai thì quá trình ghi sẽ xóa toàn bộ ổ mình đã chọn sai. Phải cẩn thận!!! Ở đây mục Device tôi chọn ổ là E của USB. Xong nhấn nút Write.

Nhấn Yes để xác nhận việc chép ổ USB.

Click OK để hoàn tất việc tạo ổ boot trên USB.

4. Bây giờ bạn cắm cái USB drive vào trong chiếc NAS tương lai của mình.

 Nhớ vào BIOS để chọn boot từ ổ USB. Xong boot máy lên. Nếu có màn hình thì bạn sẽ thấy màn hình đen thui chạy chữ lung tung.  Đừng quan tâm lắm, cứ để như vậy, đừng đụng gì tới nó.

5. Trong thời gian chờ đợi, bạn qua một máy khác (hay sử dụng) và vào trang web của Synology down về bản Synology Assistant mới nhất. Dùng phiên bản Disk Station nào cũng được, không nhất thiết phải là DS3612xs vì chúng đều giống nhau. Xong cài lên luôn cái máy bạn vừa download về (một trong những máy tính bạn hay sử dụng).

6. Sau khi cài xong, bạn mở Synology Assistant lên là nó bắt đều search cái Nas mới của bạn qua mạng Home Lan. Nếu bạn may mắn, bạn sẽ thấy cái Nas mới của mình được nhận diện như thế này.

7. Lúc này bạn nên với tay nhổ cái USB drive ra khỏi cái Nas.

8. Ta bắt đầu cài đặt .pat file bằng cách click chuột phải lên dòng chứa tên Nas, chọn Install.

 Nhớ chọn đường dẫn tới file .pat cho chính xác. Xong nhấn Next.

9. Tới đây máy đòi bạn nhập password cho cái Nas tương lai của bạn. Lưu ý, mặc định user name luôn là admin. Còn password thì bạn tự chọn và nhập vào.

Tôi khuyên cứ để mặc định chọn phần Synology Hybrid RAID, còn muốn tìm hiểu xem nó là gì thì vào đây.  xong, click Next.

10. Click OK để xác nhận tất cả dữ liệu hiện còn trong HDD sẽ bị xóa sạch trước khi Nas tạo volume.

11. Chọn tự động cấu hình mạng trong Setup Network

Xong nhấn Finish để cho phép máy cài đặt mạng, định dạng phân vùng cho hệ thống và cài DSM vào trong ổ cứng trên Nas. Khi hoàn tất, lúc này máy sẽ tự khởi động lại, đừng để ý thây kệ nó.

Đến mục thứ 5 (nhìn trong hình) là lúc máy sẽ chạy cấu hình cho bạn, thời gian nhanh hay chậm tùy thuộc vào tổng dung lượng các ổ cứng có trong Nas của bạn.

Xong cử để nguyên đó đừng vội nhấn nút Close nghen.

12. Lúc này bạn qua bên cái Nas, bạn lại với tay ta cắm thanh USB vào lại máy đúng vào cái lỗ cũ. Chịu khó nhớ và nín nhịn chỉ cắm vào đúng một lỗ thôi. Nhổ ra lỗ nào thì cắm vào lỗ ấy lại đừng đi cắm bậy bạ lung tung lỗ không thôi lại rối ra. Cứ một vợ một chồng là không sợ Sida, ý quên không sợ máy báo lỗi. Nhớ kiểm tra lại để cho Bios khởi động từ cái USB này.

 Lưu ý:

  • Cái thanh USB này phải luôn luôn được cắm (nối) vào Nas và máy được set (trong BIOS) là khởi động từ ổ USB này.
  • Khi bạn tạo một volume trong máy (cái này sau sẽ nói tới), bạn tuyệt đối không (vô tình) sử dụng luôn cái ổ USB này và bỏ vào tạo volume luôn.

Xong xuôi, bây giờ bạn có thể nhấn nút để cho cái Nas reboot. Chờ khoảng năm ba phút đặng cho máy cài đặt setup đầy đủ driver, tới khi đó bạn mới qua cái máy (có cài Synology Assistant) lúc nãy mà nhấn nút Close đang còn nằm trên màn hình.

Chờ một chút Synology Assistant sẽ search trong home Lan của bạn. Nếu bắt gặp, lúc này bạn sẽ thấy cái Nas mới của mình báo đang ở trạng thái Ready (xem hình dưới).

Click vào tab Connect để đăng nhập vào Nas

Một trình browser mới sẽ tự động mở ra với URL như sau:

http://192.168.xxx.xxx:5000/webman/index.cgi

với xxx.xxx là địa nas tại nhà của bạn. Bạn nên ghi ra một nơi nào đó để có thể sau này cần dùng tới (ví dụ như set up cho nó trở thành địa chỉ static IP).

Dùng user name là admin và password mà bạn đã đặt ở bước trước để nhập vào Nas.

Click Yes để OS kiểm tra tình trạng máy. Tùy theo số lượng và dung lượng hard drive trong Nas, nó có thể kéo dài vài giờ. Tuy nhiên bạn không cần lo lắng vì nó chạy ẩn trong background.

Khi hoàn tất bạn sẽ có một cái NAS tự làm lấy không thua gì một cái máy Nas Synology mới mua về (có thể còn chạy mạnh hơn do ram nhiều hơn, CPU mạnh hơn, ...)

Những bước kế tiếp như thiết lập cài đặt

- Storage Manager

- File Sharing

- Access Your File

- Package Center

- Cloud Service

- EZ-Internet

- ... và còn nhiều nhiều nữa

Tới đây thì tôi không dám múa rìu qua mắt thợ. Xin nhường lời cho các cao thủ về Synology Nas vì cả hai giống hệt nhau.

Xin nhắc lại một điều. Khi thiết lập new volumes trong File Station, luôn né đừng chọn cái USB drive, vì Nas sẽ có thể chép đè lên ổ boot drive và làm bạn không thể khởi động Nas được nữa.

 Để kết thúc, xin các bạn nhớ cho là bài viết chỉ mang mục đích giáo dục trao đổi kiến thức và vô vụ lợi. Bạn phải tự chịu trách nhiệm lấy những rủi ro, đặc biệt là những rủi ro về mất dữ liệu. Tôi khuyên bạn nên test kỹ lưỡng cẩn thận trên một máy tạm. Chỉ khi nào biết chắc máy chạy ổn định (reboot vài lần vật vã tới lui) thì mới chứa các dữ liệu quý/ quan trọng vào Nas.

Mến chúc các bạn với một chút may mắn sẽ thành công khi tự build cho mình một chiếc Nas gia đình như ý.


Chia sẻ bài nà
Đăng nhập để viết bình luận
So sánh NAS và SAN: Phân biệt và ứng dụng của chúng
Để quản lý ngân sách công nghệ thông tin hiệu quả, các doanh nghiệp cần đặt ưu tiên tối ưu hóa các khoản chi tiêu. Thực hiện điều này, việc hiểu rõ và phân biệt 2 kiến trúc lưu trữ phổ biến NAS và SAN là rất quan trọng để có thể chọn lựa thiết bị phù hợp với yêu cầu kinh doanh và đảm bảo hiệu suất hoạt động của hệ thống.
Chat Facebook (8h-24h)
Chat Zalo (8h-24h)
0333.516.816 (8h-24h)